Những người làm nghề này được gọi chung là Yangmaodang (Đảng lông cừu), luôn luôn online, có thể chờ đợi bất kỳ lúc nào để canh các chương trình khuyến mãi, nhằm mua những món đồ giá rẻ nhất hoặc thậm chí không tốn tiền.
Trước đây, mỗi ngày các Yangmaodang vào những nền tảng thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc như Taobao, Jingdong săn các voucher ưu đãi, sau đó vào các nhóm Wechat, QQ rao bán lấy lãi. Về sau, họ chuyển sang lợi dụng sơ hở của các ứng dụng để kiếm lợi từ những nền tảng này thông qua phương thức nạp xu QQ hoặc thẻ điện thoại.
"Chuyên nghiệp" hơn, một số nhóm còn tấn công trực tuyến vào các công ty đã phát hành cổ phiếu trên thị trường, khiến họ thua lỗ đến cả tỷ nhân dân tệ. Ngày nay, ở Trung Quốc, những nhóm này còn tập hơn thành một tổ chức lợi nhuận đen, hoạt động kín đáo và có tính tổ chức cao. "Làm một ngày, đủ ăn cả năm" là câu truyền miệng phổ biến trong cộng đồng săn khuyến mãi.
Một Yangmaodang và modem pool - cỗ máy cày số điện thoại ảo.
Tháng 12/2018, Starbuck triển khai chương trình ghi danh nhận quà cho thành viên mới. Người dùng chỉ cần truy cập ứng dụng, nhập số điện thoại để đổi lấy một voucher mua cafe. Những người săn khuyến mại đã sử dụng một loạt số di động để lập tài khoản giả trên ứng dụng Starbuck, nhận ưu đãi. Mỗi thành viên Yangmaodang có thể lấy 10 cốc miễn phí. Chỉ trong một ngày rưỡi, Starbuck thiệt hại tới 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD).
Thành viên Yangmaodang thu thập tin tức, có thể kiếm tiền trong các nhóm Wechat và QQ, sẽ chiếm toàn bộ ưu đãi dành cho người mới, bao gồm ghi danh thành viên nhà hàng, voucher của các cửa hàng, các sản phẩm giảm giá trong siêu thị... Có càng nhiều số điện thoại, tham gia càng nhiều các hoạt động, tích lũy nhiều kinh nghiệm, những người này sẽ được tham gia rút xổ số, tỷ lệ trúng thưởng là 1/200. Một người mỗi ngày nhiều nhất có thể kiếm được từ 5.000 đến 6.000 tệ (từ 700 đến 800 USD).
Tuy nhiên, những ví dụ kể trên chỉ dành cho người có trình độ thấp. Hồi tháng 1/2019, các thành viên Yangmaodang phát hiện một kẽ hở trên hệ thống của sàn thương mại điện tử Pinduoduo, khiến người dùng có thể tuỳ ý nhận 100 tệ (14 USD) mà không cần đạt tới ngưỡng có thể dùng voucher, đồng thời không bị hạn chế số lần sử dụng. Sơ hở này lập tức bị lợi dụng, làm cho Pinduoduo thiệt hại tới 20 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD).
Bên cạnh đó, các Yangmaodang còn khai thác hình thức vay tiền P2P (cho vay ngang hàng), hàng tháng chiếm được 100.000 tệ (14,900 USD). Ví dụ, trên nền tảng cho vay Jinshang, chỉ cần ghi danh là có thể rút thăm trúng thưởng, ít nhất 100 tệ (14 USD), nhiều là 600-800 tệ (85 đến 113 USD). Sau khi tìm một sản phẩm đầu tư ngắn hạn một tuần, người dùng có thể rút thưởng lấy ngay. Như vậy, một Yangmaodang chỉ phải mua một sim điện thoại, nuôi sim trong nửa năm, tải đủ các loại ứng dụng cho vay về cùng một lúc, lần lượt vay tiền rồi lập tức rút sim và "bốc hơi".
Họ thậm chí phát triển một phần mềm tường lửa rồi nhập số điện thoại, số căn cước và tên nền tảng cho vay tiền vào, số điện thoại cố định thu nợ của các nền tảng này sẽ bị chặn.
Các Yangmaodang lấy đâu được nhiều số điện thoại, tài khoản Wechat như vậy? Thực ra, họ sử dụng một máy ghi danh đặc biệt và modem pool để xuất ra hàng loạt tài khoản. Chỉ cần thiết lập đơn giản và vận hành trong thời gian ngắn, thiết bị này sẽ cho ra hàng loạt "số trắng" chờ được sử dụng bán cho người có nhu cầu.
Cận cảnh một Modem Pool - thiết bị hỗ trợ nhiều thẻ sim điện thoại cùng lúc. Ngoài cung cấp số điện thoại, thiết bị này còn có thể sản xuất các công cụ tự động, bán tự động, như máy ghi danh, máy đặt hàng tự động.
Như trong sự kiện Pinduoduo kể trên, voucher ưu đãi nhận một lần có hạn nhưng Yangmaodang sử dụng cùng lúc rất nhiều sim điện thoại "đen" nên có thể lấy trộm được hàng loạt.
Mai Huyền
Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019
Chiêu săn tiền từ các khuyến mãi online của người Trung Quốc
23:23